Gieo mình trên dải địa chất có độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, bị chia cắt bởi những vách núi đá dựng đứng, những con vực thăm thẳm, dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào Mông, Làng Nhì có lẽ giống như một ốc đảo, người vào cũng ngán, người ra cũng phải e dè. Cùng với Tà Sì Láng địa danh này quả xứng với danh xưng “tứ đại hiểm địa” của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Sẽ chẳng có ngôn từ nào miêu tả cho hết độ khó của cung đường từ Phình Hồ lên Làng Nhì (Yên Bái). Con dốc đất đỏ, dốc đứng tới 20 độ, trơn trượt nối với đoạn đường bê tông đang làm dở, chạy theo con đường ấy chúng tôi thu vào trong tầm mắt thị xã Nghĩa Lộ bé nhỏ phía dưới và tầng tầng lớp lớp mây phủ đỉnh Tà Sì Láng phía xa, tất nhiên, cả con đường hiểm trở dẫn lên Làng Nhì.
Đi sâu vào trong các bản của Phình Hồ chúng ta có thể bắt gặp những gốc chè cổ thụ mấy người ôm mới xuể.
Nhặt vài lá chè tươi cho vào nồi nấu sôi là có thể tận hưởng vị chan chát nơi đầu lưỡi, khi tới cuống họng thì ngọt dịu mát thanh của nước chè tươi quyện lẫn hương của núi rừng. Thứ nước ấy có thể giúp bạn bù lại lượng nước đã mất, vực dậy tinh thần cho chặng đường gian nan phía trước.
< Những cung đường cheo leo bên núi bên vực.
Cách đây 10 năm, con đường 15km nối Phình Hồ với Làng Nhì chỉ là đường mòn dân sinh và và đường ngựa thồ, giờ đây tuy đường đã được mở rộng hơn nhưng sự hiểm trở có lẽ vẫn vậy.
Vẫn là những khúc cua tay áo dựng đứng, vẫn những đoạn đường rộng chừng 40-50cm bám sát mép vực, có những đoạn đường cả hai bên đều là vực …
Trên suốt chặng đường ấy chúng tôi rất nhiều lần phải xuống đẩy xe vượt những con dốc nối tiếp nhau. Đá dưới lốp xe bắn lên rào rạo, đá bắn vào bô xe máy, đá bắn vào yếm, vào bất cứ nơi đâu có thể mỗi khi xe chạy qua. Cứ tưởng như đã có thể thở phào bởi cung đường đã khép lại thì đoạn đường đất đỏ mở ra cũng hiểm trở chẳng kém.
< Toàn cảnh Làng Nhì.
Dân “xê dịch” vẫn truyền tai nhau rằng lên tới Làng Nhì rồi mà gặp trời mưa thì hãy cứ xác định tâm lý ăn ở cùng đồng bào thêm vài ngày rồi hãy tính chuyện hạ sơn. Bởi những ngày mưa đường trở nên lầy lội, trơn trượt, tới mức lớp thanh niên của xã vốn đã quen từng con dốc từng khúc cua còn ái ngại không muốn đi vì đi thì kiểu gì cũng phải “va” phải “quệt” với những vách núi vài bận. Còn nhỡ đi nửa chừng đường mà gặp mưa, thì chỉ còn nước … khóc.
< Thác ở Hán Tề Chơ. Trông gần trước mặt nhưng xa vô cùng...
Để vào được Bản Háng Tề Chơ (hay Bản Đề Chơ), nơi có những thác nước đẹp vẫn còn nguyên vẻ ban sơ thì phải đi bộ thêm mấy tiếng, bởi đường ở đây chỉ dành cho ngựa chứ đâu để cho xe máy đi vào.
Từ quãng rẽ Làng Nhì – Háng Tề Chơ vượt qua chừng mươi con dốc dựng đứng dễ chừng 25 độ là tới được “hiểm địa” vốn được dân “phượt” cho là có số có má này.
Nghe tiếng thác đổ tưởng đã gần lắm rồi, ấy vậy mà “gần ngay trước mặt xa đến vô cùng”, tuy đã trông thấy tận mắt dòng nước trắng xóa đang tuôn ra từ khe núi mà vẫn không sao tìm được lối đi. Đành lòng phạt cỏ, và những bụi cây nhỏ để làm đường đi tiếp, cứ thẳng hướng thác mà đi thế rồi lại… lạc đường và thác thì vẫn còn xa lắm.
Men theo con suối với hy vọng sẽ tới được chân thác, nhưng chặng đường gian nan vẫn chưa dừng ở đó. Bởi không những chỉ men theo mà còn phải lội (bơi) ngược dòng quãng chừng 50m mới tới được chân thác, nhưng bao nhiêu khổ ải, ngồi kề bên thác là phần thưởng xứng đáng dành cho những kẻ liều lĩnh muốn chinh phục “hiểm địa” này.
Phút bình yên tận hưởng không khí trong lành, nghe tiếng thác đổ mới thấu hiểu câu “khổ tận cam lai” dành cho dòng máu “xê dịch” - theo cách nói của Nguyễn Tuân vẫn ưa dùng.
Korean Air! - Theo Tuấn Linh (ANTĐ), ảnh Batramdao, Quycoctu và nhiều nguồn khác.