Rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã có tên trong tập bản đồ Việt Nam bởi sự hiện hữu của cảnh quan thiên nhiên độc đáo, cùng với khí hậu điển hình mà ít nơi trên lãnh thổ Việt Nam có được.
Độc đáo “Rừng cảnh tiên” Phia Oắc – Phia Đén
Những ngày đầu của mùa Thu tháng 10, tôi có dịp theo chân các nhà khoa học ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam và Trung tâm Địa Môi trường &Tổ chức Lãnh thổ hành quân từ Thủ đô Hà Nội lên Cao Bằng để tiếp tục khảo sát Phia Oắc - Phia Đén trong một đề tài mà tỉnh này đã giao Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam thực hiện trong 2 năm 2012 – 2013 giữa lúc tỉnh Cao Bằng đón nhận công bố quyết định thị xã Cao Bằng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Từ thị trấn Nguyên Bình, đoàn khảo sát hơn 20 người chúng tôi vi vu trên ba chiếc xe ô tô men theo những cung đường đất đá gồ gề men theo sườn núi lúc thì dựng đứng, khi thì thoai thoải và bên kia là vực sâu. Càng lên cao, chúng tôi càng dễ dàng chiêm ngưỡng những dãy núi nhấp nhô bạt ngàn màu xanh với những ngôi nhà nằm lọt thỏm dưới chân núi.
Mất chừng hai giờ đồng hồ, vượt qua gần 30km từ thị trấn Nguyên Bình, cuối cùng đoàn chúng tôi cũng lên gần đến đỉnh núi Phia Oắc. Con đường tới Phia Oắc là con đường vàng, được UBND tỉnh Cao Bằng đưa vào quy hoạch du lịch sinh thái khu rừng đại ngàn Phia Oắc – Phia Đén và vùng phụ cận.
< Rừng lùn, rừng rêu ở Phía Oắc xứng đáng được gọi là "Rừng cảnh tiên" với hệ thống rừng lùn xanh mướt với những hàng cây trăm năm tuổi.
Cảm nhận đầu tiên sau khi chúng tôi bước xuống khỏi xe là thời tiết se lạnh giữa một ngày nắng đẹp của mùa Thu. Ai nấy tự tìm cho mình một không gian khám phá để tận hưởng những không gian yên tĩnh với tiếng nước chảy róc rách từ khe đá và tiếng chim hót. Càng lên cao, chúng tôi càng thấy rêu xanh phủ nhiều hơn ở thân cây và các vách đá.
Từ xa xa, chúng tôi đã nhìn thấy tháp antena phát sóng phát thanh truyền hình quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) cao 75m nằm trên đỉnh núi Phia Oắc ở độ cao 1931m so với mặt nước biển. Nơi đây được ví như nóc nhà của tỉnh Cao Bằng. Tháp antena, với hệ thống nhà đặt máy phát thanh truyền hình thiết bị phụ trợ đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh tiếng dân tộc và hệ thời sự chính trị tổng hợp, phủ sóng toàn tỉnh Cao Bằng và vùng phụ cận Bắc Kạn, Lạng Sơn. Nghe đâu chưa có điểm phát sóng phát thanh truyền hình của quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á vượt được độ cao lý tưởng này.
Toàn vùng Phia Oắc - Phia Đén có tổng diện tích tự nhiên 24,631ha, trong đó rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén rộng hơn 10.261ha; độ cao từ 1500m - 1931m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm là 18 độ C, sương mù quanh năm thường xuất hiện vào sáng sớm, chiều tối và đêm, điểm sương mù nặng nhất là đỉnh đèo Colia. Mùa Đông đến sớm và lạnh thuộc loại nhất Việt Nam. Nơi đây nằm ở vị trí giao lưu của nhiều tuyến đường giao thông và là nơi đầu nguồn của nhiều con sông, có địa hình núi cao, nhiều hang động, và vẫn còn giữ được diện tích rừng nguyên sinh.
TS Lê Trần Chấn, Trung tâm Địa Môi trường & Tổ chức Lãnh thổ, cho hay độ ẩm và nhiệt độ là hai yếu tốc quyết định tạo nên rừng lùn, rừng rêu độc đáo ở Phia Oắc – Phia Đén vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Sở dĩ gọi là rừng lùn vì rừng chỉ có hai tầng, không có tầng vượt tán, tầng cao nhất tán liên tục, cây phân nhánh sớm, chiều cao tối đa không vượt quá 15m. Nói về rừng rêu thì ở những vườn quốc gia khác như Tam Đảo, Hoàng Liên Sơn, Bạch Mã cũng có nhưng rêu không phủ dầy đặc lên thân cây và vách đá như ở Phia Oắc – Phia Đén.
< Chuyên gia lâm nghiệp Vũ Văn Dũng tìm được cây bạch chỉ bên cạnh tháp antena phát sóng phát thanh truyền hình quốc gia (ĐTNVN -VOV) trên đỉnh Phía Oắc.
Theo đánh giá của các nhà khoa học ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, từ những đặc điểm trên có thể khẳng định rừng lùn, rừng rêu ở Phia Oắc xứng đáng được gọi là “rừng cảnh tiên” với hệ thống rừng lùn xanh mướt với những cây hàng trăm năm tuổi. Rừng lùn, rừng rêu ở Phia Oắc – Phia Đén chính là đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên Đông Bắc của Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn lưu gió mùa Đông Bắc. Phia Oắc – Phia Đén có nhiều dông, nhiều sương muối, mưa phùn và có thể quan sát được tuyết vào mùa Đông ở vùng núi cao.
Do nằm trong vùng Đông Bắc là cửa ngõ đón gió mùa Đông Bắc nên từ độ cao 1.600m trở lên nhiệt độ trung bình năm dưới 15 độ C, lại kết hợp với mưa, sương mùa, độ ẩm cao nên đã hình thành nên đai khí hậu lạnh và ẩm ướt quanh năm. Đây chính là điều kiện cần có để hình thành nên kiểu rừng lùn, rừng rêu rất đặc trưng ngay ở độ cao 1600m trở lên mà rất nhiều vùng núi cao khác không có được. Nếu có kiểu rừng rêu ở dãy Hoàng Liên Sơn, phải lên đến độ cao khoảng 2400m trở lên mới gặp. Chính hình thái thời tiết như vậy đã phát triển thảm thực vật ôn đới núi cao với kiểu rừng rêu đặc trưng, các cây gỗ phân cành sớm, cong queo, phủ đầy rêu.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, chia sẻ năm 1960 ông cùng với một số nghiên cứu sinh đã khảo sát ở Phia Oắc – Phia Đén. Và trong những năm gần đây vị giáo sư 84 tuổi này cùng với một số nhà khoa học tiếp tục có mấy chuyến khảo sát thực địa và đánh giá rừng lùn, đặc biệt là rừng rêu phủ xanh những thân cây, phiến đá tạo ra nét cổ kính. Có những cây rêu phủ đến 80 – 90% xanh mượt từ gốc lên đến ngọn.
Lên đến đỉnh Phia Oắc, hình ảnh đầu tiên thu thút chúng tôi là tháp antena phát sóng phát thanh truyền hình quốc gia Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Theo quan sát, chúng tôi thấy không chỉ ở trong nhà mà cả ngoài hiên nhà, bể nước, khu nhà vệ sinh, những tường gạch, đá xây quanh ngôi nhà cũng thấy rêu xanh phủ.
< Băng tuyết phủ trắng những ngọn đồi tại vùng núi Phia Oắc - Phia Đén (3/1/2013).
Anh Mông Thế Minh, cán bộ làm việc năm năm ở trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam, nói mùa Đông thì nhiệt độ ở trên đỉnh Phia Oắc xuống dưới 10 độ C. Năm nào cũng vậy, trước hoặc sau Tết tuyết đều xuất hiện trên đỉnh Phia Oắc – Phia Đén, phủ trắng ngọn cây và mặt đất xung quanh ngôi nhà của mấy anh em trực làm việc. Ngôi nhà ở của cán bộ trực Đài Tiếng nói Việt Nam được đưa vào sử dụng khoảng năm 2008 nhưng hiện nay rêu mốc đã phủ nhiều chỗ ở trên tường. Chính vì vậy mà mấy anh em trực ở đây quanh năm phải sử dụng chăn bông, ngay cả ban ngày.
“Có những đợt tuyết phủ dầy đến 10cm trong ba ngày, bể nước sinh hoạt đóng băng. Vì vậy mấy anh em phải đập đá cho vào chậu rồi đặt vào phòng máy phát cho đá chảy ra để sử dụng. Còn mùa này nhiệt độ ban ngày khoảng 17 – 18 độ C, còn ban đêm xuống còn 12 – 13 độ C. Chính vì vậy, mấy anh em quanh năm phải sử dụng chăn bông. Anh thấy đấy, trên giường lúc nào cũng có mấy cái chăn bông cho mỗi người. Do nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao nên ngôi nhà này mới được đưa vào sử dụng được khoảng bốn năm nay thôi mà tường đã xuất hiện nhiều ô mốc trắng, mốc xanh. Tường nhiều chỗ đã bong tróc. Những chỗ màu xanh trên tường là rêu phủ đó”, anh Mông chia sẻ.
Phia Oắc – Phia Đén là một trong những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt, là một trong những khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và sinh vật vào loại bậc nhất Việt Nam. Cũng giống như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)…, Phia Oắc – Phia Đén cũng là một miền đất lạnh với hệ thống núi cao quanh năm mây phủ cùng không gian nguyên sinh thơ mộng, núi rừng quanh năm mát mẻ… Không chỉ có khí hậu và rừng nguyên sinh lý tưởng Phia Oắc - Phia Đén, còn ẩn chứa dưới lòng đất số khoáng sản quý hiếm như volfram, vàng, thiếc và sắt…
< Độ ẩm và nhiệt độ là hai yếu tố quyết định tạo nên rừng lùn, rừng rêu độc đáo ở Phía Oắc- Phía Đén vào loại bậc nhất Việt Nam.
Có thể nói Phia Oắc - Phia Đén là bức tranh hùng vĩ và thơ mộng, ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, được tạo thành bởi các dãy núi cao trùng điệp, là dải rừng xanh tự nhiên, các thảm thực vật, rừng tre, nứa, rừng vầu, rừng trúc, các trảng cỏ...cùng không gian nguyên sinh mang đậm nét hoang sơ của rừng núi quanh năm mây phủ, tạo nên bức tranh hài hòa, có cảnh sắc thơ mộng.
Chính sự hoang sơ, nguyên vẹn của núi rừng nơi đây đã tạo sự hứng thú đặc biệt thu hút các nhà khoa học tiếp tục say mê tìm hiểu nơi đây. Cũng chính trong những chuyến khảo sát này, các nhà khoa học phát hiện “rừng cảnh tiên” vẫn bị lâm tặc phá rừng, khai thác khoáng sản, phát nương làm rẫy.
Còn tiếp
Korean Air!