Một lần về huyện miền núi Tây Giang - nơi được xem là heo hút nhất của tỉnh Quảng Nam - thấy cảnh đẹp ngỡ ngàng. Người ta ví nơi đây như một Đà Lạt của miền Trung.
< Cánh đồng Axan xanh ngát giữa núi rừng.
Sáng Tây Giang, mây mù đè đỉnh núi, với tay là có thể chạm tới. Chúng tôi xuất phát từ thị trấn Tây Giang bắt đầu chuyến hành trình ngược miền biên giới khi trời đông bắt đầu hửng nắng và mây còn vấn vương đỉnh núi. Điểm tô giữa núi rừng là những ngôi làng nấp mình trong sương sớm và những đồng ruộng bậc thang xanh mướt, hút hồn du khách.
Tây Giang là huyện miền núi Quảng Nam, cách TP Đà Nẵng 120km về phía tây trên những đỉnh núi cao Trường Sơn hùng vĩ. Tây Giang giáp ranh với hai huyện Đăk Chưng và K’Lùm của tỉnh Sê Kông (Lào), huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên - Huế). 95% dân số Tây Giang là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Tây Giang hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích du lịch dã ngoại, khám phá cuộc sống dân dã của người dân tộc Cơ Tu.
“Làng Singapore”
< Bản làng miền biên giới Tây Giang trong mây mù sương sớm.
Tây Giang được người dân xứ Quảng ví là Đà Lạt thứ hai bởi khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, chìm trong sương mù. Những bản làng sạch đẹp giữa lưng chừng núi, khung cảnh thơ mộng mở ra khi du khách mỗi lúc một lên cao đi về miền biên giới Việt - Lào.
Cung đường lên Tây Giang đẹp nhưng khá cam go, thử thách lòng kiên nhẫn và sự dũng cảm của những tay phượt khi qua những con dốc cao, quanh co với những cái tên ấn tượng như dốc Khom Lưng, Mẹ Ơi… Có lẽ đó là lý do được nhiều bạn trẻ Quảng Nam và Đà Nẵng chọn là nơi để thử thách, chinh phục và khám phá.
< Nét duyên thầm miền sơn cước.
Ngày xưa nói đến vùng khu 7 này là liên tưởng đến sự nghèo khổ, thiếu thốn. Tuy nhiên nay bức tranh núi rừng Tây Giang đã được điểm tô bằng những ngôi làng chưa được coi là khang trang nhưng tươm tất, sạch đẹp nằm giữa lưng chừng trời. Huyện đã đưa ra mục tiêu nơi đây sẽ là những điểm đến của các tour du lịch cộng đồng.
Về đây nghe những câu chuyện khá lạ, kiểu như bản Aur (thuộc xã A Vương) được biết đến là “làng Singapore” giữa đại ngàn bởi bản sạch đẹp nhất huyện. Nay, miền biên giới này đã có hàng chục bản làng sạch đẹp hơn thế. Một cuộc quy hoạch tổng thể từ các thôn làng ở các xã biên giới Tây Giang đang được triển khai cùng với việc đầu tư mở đường ôtô vào thôn bản.
Vườn sâm quý
Nhờ khí hậu phù hợp, thổ nhưỡng tốt nên nơi đây còn được quy hoạch là một trong những nơi trồng sâm quý. Ghé vườn sâm Ngọc Linh ở khu rừng cổ thụ thôn Zơ Rượt của xã Ch’ơm, ngỡ ngàng với 5.000 gốc sâm được huyện Tây Giang chủ động di thực từ Trà Linh (Nam Trà My) qua từ năm 2004. Sâm quý di thực thành công với tỉ lệ 80%, chất lượng sâm được giữ nguyên.
Vườn sâm nay đã hơn bảy năm tuổi, trị giá hàng chục tỉ đồng. Rồi đây sâm quý sẽ được bàn giao lại cho chính quyền địa phương xã tiếp tục mở rộng và trở thành cây trồng chủ lực cùng với đẳng sâm, sâm ba kích, thảo quả giúp người dân khu 7 thoát nghèo.
Ch’ơm còn được biết đến là nơi lưu giữ những nét văn hóa cổ xưa của người Cơ Tu. Thôn Atu còn lưu giữ được những căn nhà dài truyền thống, hằng năm lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng vẫn được dân làng tổ chức, thu hút khách du lịch miền xuôi, khách phượt lên đây tham dự.
< Những ngôi nhà xinh xắn, khang trang giữa núi rừng.
Du khách lên đây sẽ được sống và sinh hoạt cùng với người dân bản địa, cùng thưởng thức những món ăn độc đáo như cơm lam, sắn lam, thịt lam; cùng uống rượu Tà Vạc, Tờ Đin, đặc sản của núi rừng Tây Giang.
Đi xa hơn một chút, thôn Chà Nóc (xã Ch’ơm) hiện ra như một nàng tiên ẩn mình trong sương sớm. Phía sau những nương sắn xếp hàng thẳng tắp, những ngôi nhà quần tụ, sát kề như nép vào nhau để tránh cái rét đầu đông đang cố tình len lỏi qua từng bờ vách. Một không gian thanh bình trong cái màu xanh ngát của cây rừng, những thiếu nữ Cơ Tu e thẹn bên những khung cửa nhà sàn. Anh Ngô Đình Sơn, một chiến sĩ biên phòng, nói: “Cán bộ, bộ đội lên đây cho tiền cho gạo người dân không ưng, nhưng mang cây trồng, vật nuôi lên đây thì dân vui lắm. Cây trái ăn quanh năm”.
< Trẻ em Cơ Tu vui đùa trong nắng sớm.
Câu chuyện gây ngạc nhiên cho những lữ khách miền xuôi chúng tôi như cứ dài ra mãi. Dù ở nơi heo hút nhưng Chà Nóc còn được biết đến là thôn có số lượng người học đại học, cao đẳng vào diện nhiều nhất huyện với gần 20 người. Trong số đó, Alăng Bền là niềm tự hào nhất của thôn và xã Ch’ơm bởi là người đầu tiên đang theo học thạc sĩ ở nước ngoài.
Đêm Chà Nóc chìm trong sương mù dày đặc, lạnh lẽo. Trong đêm, tiếng kẻng văng vẳng giữa núi rừng. Ở nơi hẻo lánh xa xôi, mấy chục năm nay tiếng kẻng đó hằng đêm vẫn vang lên để giữ nhịp con chữ nơi biên cương…
Korean Air! - Theo Thanh Hương (DulichTuoitre), internet