Nhắc đến những chuyến du lịch hấp dẫn, ít ai kể về kỷ niệm với bác tài – lái xe chở khách trên những chặng đường gập ghềnh. Bài viết sẽ hé lộ câu chuyện kỳ thú của một bác tài (CTy vận tải Thiên Thảo Nguyên) để các bạn cùng trải nghiệm nhé!
< Cảnh hồ Ba Bể.
Chuyến đi Đông Bắc được khởi hành từ Hà Nội vào mùa đông lạnh giá kéo dài 7 ngày đêm. Đảm nhiệm một con xe mới, chở 17 khách, bác tài tên là Nguyễn Đức Văn với kinh nghiệm 13 năm kể lại chuyến hành trình dài và gian nan, nhưng cũng hết sức đáng nhớ của mình.
Đó là 17 vị khách đến từ Pháp muốn đi thăm lại di tích hồ Ba Bể ngày xưa. Xe bắt đầu lăn bánh từ Hà Nội đến hồ Ba Bể, dừng chân tại một làng bản. Ngày hôm sau, bác tài đưa đoàn khách đi Cao Bằng, thăm hang Bắc Pó, rồi đi đến thác Bản Dốc,…. Lạng Sơn và cuối cùng tham quan vịnh Hạ Long.
Với khách du lịch, mọi chuyện diễn ra thật vô cùng lý thú và nhẹ nhàng, nhưng với công việc âm thầm, lặng lẽ của người cầm lái vận chuyển khách, thì không chỉ có vậy. Chúng ta hãy cùng quay ngược lại cuộc hành trình và nghe bác tài kể.
“Cách đây bốn năm, chặng đường đi từ Ba Bể đến Cao Bằng rất hiểm trở, đèo dốc, khó đi, đặc biệt vào mùa đông có nhiều sương mù. Ngay cả khách ngồi phía sau cũng lo sợ trước thời tiết dày đặc sương mù như thế này, nên họ đã yêu cầu tôi dừng xe để đợi khi ngớt mưa và sương sẽ đi tiếp.”, anh Văn kể.
Nhưng với lịch trình đã lên sẵn, bác tài chỉ dừng lại khoảng 5 phút và động viên hành khách, anh có thể vượt qua được chặng đường này bằng kinh nghiệm lâu năm của mình. Cuối cùng anh đã đưa khách đến nơi an toàn và đúng giờ theo như chương trình.
Trên đoạn đường từ Cao Bằng về Lạng Sơn, quãng đường dài gần 20km là Đông Khê và Thất Khê, đoạn đường mà theo như anh Văn nói “không lái xe nào chở khách đi du lịch Đông Bắc lại không biết”, một bên là vực sâu, một bên là núi rất khó đi và thường trơn trượt do trời mưa vào mùa đông.
Biết rằng chặng đường khó khăn vào mùa đông, bác tài đã phải chuẩn bị trước xà beng, cuốc xẻng, dây cáp kéo xe… để xử lý các vấn đề gặp phải trên trên đoạn đường Đông Khê, Thất Khê này.
“Suốt chặng đường ấy, dự đoán trước tình hình, tôi liên tục phải xuống xe dùng xà beng, cuốc, xẻng đào và xúc bỏ đi phần đất trơn lầy, để trơ ra phần đất cứng, thì xe mới qua được. Đó là còn chưa tính có đoạn nào trơn quá xe không đi lên được là tôi phải nhờ xe đi ngược chiều kéo xe mình bằng dây cáp đã chuẩn bị trước.”, anh Văn nhăn mặt, lắc đầu kể lại.
Tuy nhiên, “tôi vẫn có nụ cười rạng rỡ như thường lệ chứ không phải là một nụ cười gượng gạo”. Bác tài phân trần: “…những lúc khó khăn như thế, lái xe như chúng tôi phải rất bình tĩnh để vượt qua được chặng đường đó. Có lúc khách không biết được lái xe đã vượt qua khó khăn thế nào.”
Chắc chắn rằng phải có kinh nghiệm và bản lĩnh lắm lái xe mới vững vàng xử lý được mọi vấn đề, để vượt qua chặng đường khó khăn, kịp thời gian cho cuộc hành trình.
Có lúc giữa buổi đêm, khách bị đau bụng phải đi cấp cứu do khác biệt về ẩm thực, anh Văn đã có mặt kịp thời đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay trong đêm, cách nơi ở khoảng 10km.
Một trường hợp khác, khách bị thất lạc hành lý do để nhầm lên xe khác cùng màu. Bác tài Văn kể lại đó là 2 vị khách Indonesia bị thất lạc hành lý. Với trách nhiệm của người lái xe và óc phán đoán của người có bề dày kinh nghiệm, bác đã đi hỏi cụ thể, tìm hiểu vị trí của xe, thời gian để hành lý lên xe, nên bác Văn đã tìm ra được chiếc xe mà hành lý của khách bị thất lạc.
Nói về niềm đam mê với nghề, anh Văn cho rằng do “Có trách nhiệm với nghề thì yêu nghề thôi" và “yêu nghề thì gắn với trách nhiệm”, sau những chuyến đi dài ngày, nhận được những lời cám ơn, cảm kích của khách, tôi thực sự hạnh phúc". Anh Văn thổ lộ thêm “Nghề lái xe giúp tôi được gặp nhiều người, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, học hỏi được nhiều từ văn hóa của họ. Công việc này cũng đưa tôi đến nhiều nơi, danh lam, thắng cảnh đẹp”.
Theo DulichVN, internet