Dù đã đi qua nhiều nước, thấy nhiều cảnh đẹp nhưng chẳng có nơi đâu đem lại cho kẻ lãng du như tôi cảm xúc diệu kỳ về đất nước mình như xứ này.

< Trên đường về Lạng Sơn.

Hành trình trở về xứ Lạng (Lạng Sơn) bắt đầu vào một sớm mùa đông, hành lý trên vai chủ yếu là mớ đồ lạnh nặng trịch. Vì muốn khám phá, chúng tôi không chọn cung đường mới qua vùng đồng bằng thuận lợi, dễ đi mà đi theo quốc lộ cũ ngang qua ải Chi Lăng, vượt đèo Sài Hồ với những khúc quanh ngoạn mục, núi non hiểm trở, một bên là núi cao và một bên là vực sâu.

< Chiều trên đèo Sài Hồ.

Sự lựa chọn đã không phụ lòng khi được trải nghiệm phút giây bay bổng trên đỉnh Sài Hồ lộng gió, phóng tầm mắt xuống thung lũng có những bản làng, những ngôi nhà nhỏ như những bao diêm, những làn khói trắng mỏng manh uốn trên những lớp nhà mái rạ.

Lạng Sơn hiện ra khá khang trang, hiện đại, những con đường rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng san sát. Lạng Sơn của 20 năm trước là tỉnh vùng biên nghèo, buồn tẻ nhưng nay được thay lớp áo khoác đẹp rạng ngời.

< Cổng trời - động Tam Thanh.

Khác với những đô thị sầm uất, Lạng Sơn vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ, những điểm du lịch tự nhiên làm đắm say bao người. Tôi đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ của động Nhị Thanh - Tam Thanh.

Vào năm 1777, danh nhân Ngô Thì Sĩ được cử làm quan Đốc trấn Lạng Sơn, vì mê phong cảnh hữu tình, ông đi lang thang và phát hiện ra dòng suối dẫn vào lối cửa động, rồi cho tu sửa tạo thành nơi du ngoạn cho dân chúng và đặt tên động Nhị Thanh.

< Chùa Tam Thanh.

Tại cửa sau của Nhị Thanh có thể nhìn thấy động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Về tầm cỡ, động Tam Thanh lớn hơn Nhị Thanh rất nhiều.

Cửa động cao sừng sững, bước vào trong thấy ngay chánh điện uy nghi, kế bên là điện thờ quan Đốc trấn Ngô Thì Sĩ, bàn thờ Đức ông, cung Cô Bơ. Bên trái động có một lối đi nhỏ được đục vào đá tạo thành những bậc thang dẫn tới bức tượng A Di Đà tạc nổi trong vách đá từ thế kỷ 15.

Đi sâu vào trong, thiên nhiên càng hiện ra kỳ ảo. Qua khoảng đất rộng có cây ngô đồng được tạo từ nhũ đá sừng sững là tới hồ Âm ty, nước xanh trong vắt quanh năm, ánh đèn đặt trong những vách đá rọi xuống hồ càng tạo thêm nét kỳ bí. Sâu trong động có một khu sân khấu lớn, tương truyền cho các nàng tiên bay về múa hát, từ sân khấu có thể nhìn thấy Cổng trời, một con đường đá dẫn lên miệng cửa hang nhỏ tràn ngập ánh nắng.

Một giếng trời giữa lòng hang với những nhũ đá hình các nàng tiên đang bay lên. Ánh sáng từ Cổng trời và giếng trời rọi vào động làm những thạch nhũ ánh lên lấp lánh. Theo con đường nhỏ qua hang dơi dẫn lên một cái miệng hang khác, bước ra khỏi miệng hang là bầu trời trong xanh, từ đây bạn có thể thấy một góc thành phố Lạng Sơn từ trên cao, xa xa là hòn Vọng Phu sừng sững tạc vào nền trời xanh ngắt.
Quả là người xưa đã không chút tô vẽ khi tả về một nơi tiên cảnh đến vậy.

Korean Air! - Theo phượt thủ Tuyết Mai (iHay), và nhiều nguồn ảnh khác.