Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng về nghề làm bánh chưng truyền thống. Nhờ nghề này, Vĩnh Hòa đã trở thành làng giàu có bậc nhất huyện Yên Thành.

Không ai nhớ rõ nghề bánh chưng ở Vĩnh Hòa (Hợp Thành, Yên Thành -Nghệ An) xuất hiện cụ thể vào thời gian nào, nhưng theo lời các cụ ông, cụ bà trong làng kể lại thì từ cái thời chiến tranh một số nhỏ lẻ các bà, các chị trong làng hàng ngày có làm vài ba chục chiếc gồng gánh mang ra chợ bán.
Do thời đó, lương thực bị cấm chế biến thành các loại bún, bánh. Vì thế, bánh chưng Vĩnh Hoà - (Hợp Thành – Yên Thành) bị ngừng một thời gian khá dài.

Sau thời kỳ mở cửa, nhân dân cả nước, cả tỉnh có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Là một vùng giáo toàn tòng, mà đặc thù là chạy chợ, buôn bán nhỏ, bà con Vĩnh Hoà quyết tâm khôi phục lại nghề làm bánh. Ban đầu là bánh chưng, bánh tét, sau do nhu cầu của khách hàng, nay Vĩnh Hoà còn có thêm bánh mật, bánh gai. Được biết, năm 2012 Vĩnh Hòa có 384 người tham gia làng nghề bún bánh với thu nhập bình quân đạt 24,7 triệu đồng/người/năm.

Vĩnh Hoà có 215 hộ dân thì có hơn 200 hộ làm bánh chưng. Dân làng không chỉ làm bánh chưng mấy ngày tết, ngày lễ, mà gói và bán bánh quanh năm. Khách hàng khắp mọi nơi tìm đến rất đông. Thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hoà có uy tín là do bánh của làng không chỉ ngon, đẹp, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2004, tỉnh Nghệ An chính thức công nhận Vĩnh Hòa là làng nghề làm bánh chưng.

Bánh chưng Vĩnh Hoà chủ yếu gói bằng lá chuối. Gạo phải là nếp hoa vàng; thịt lợn, đậu xanh, hạt tiêu, hành làm nhân bánh luôn được các nhà chọn lựa kỹ càng. Bây giờ nhiều nơi nấu bánh bằng bếp điện, bằng than hay công nghệ nồi hơi, nhưng Vĩnh Hoà vẫn đun bằng củi - đó cũng là một trong những yếu tố làm cho bánh Vĩnh Hoà thơm ngon.

Ông Nguyễn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Việc khôi phục làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hoà đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Trước hết, làng nghề đã giải quyết việc làm, ổn định đời sống, xoá đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và cũng là động lực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, việc khôi phục lại làng nghề thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con giáo dân Vĩnh Hoà - vì đây là nghề được truyền từ đời cha, đời ông, rất được bà con đồng tình, hưởng ứng. Kinh tế phát triển, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Không còn nhà tạm, nhà dột; Tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, keo sơn. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.

Về thăm Vĩnh Hoà vào những ngày cuối năm, mới thấy được không khí tấp nập, khẩn trương chuẩn bị cho Tết Quý Tỵ 2013. Đến nhà nào cũng thấy la liệt lá dong, lá chuối xanh, những bì đậu xanh, nếp trắng chất thành đống ở góc nhà... Chị Hoàng Thị Châu năm nay xấp xỉ tuổi 40 nhưng đã làm nghề từ thủa lên 5, lên 6.

Chị Châu kể: ở cái làng này, không ai là không có việc. Trẻ con một buổi đi học, buổi ở nhà lau lá, người già thì chẻ lạt, còn thanh niên nam, nữ đãi nếp, làm nhân, gói bánh, nấu bánh và đem đi nhập. Cứ theo vòng quay như vậy, ngày này qua tháng khác, làng bánh Vĩnh Hoà như càng nhộn nhịp thêm vì ngày hôm nay có nhà nhập được bánh ở tận Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, và cả ở Cửa Lò, Vinh.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có rất nhiều cơ sở, làng nghề bánh chưng nhưng bánh chưng Vĩnh Hoà có hương vị riêng. Trò chuyện với anh Trần Quốc Khánh – một giáo dân có “thâm niên” hơn 20 năm làm nghề gói bánh chưng, được anh tâm sự rằng, không muốn chọn nghề nào khác bởi bản thân anh yêu thích công việc này, hơn nữa, mỗi lần ngồi gói bánh chưng, anh có cảm giác như mình đang gói cả quê hương, gói cả cái tình của người quê vào mỗi chiếc bánh.

Tôi cười, bảo anh nói sao văn vẻ thế, nhưng ngẫm ra mới thấy anh Khánh nói đúng thật. Bởi bánh chưng xanh được làm từ nguyên liệu chính là nếp lúa – hương đồng gió nội, có nhân đậu xanh, thêm miếng thịt ba chỉ thấm đẫm hành khô, hạt tiêu… Tất cả được bàn tay của người dân lao động gói lại bằng lá dong, rồi đến một lớp lá chuối, cuối cùng bọc bên ngoài thêm một lớp lá dong xanh. Cặp bánh không chỉ để cúng gia tiên mà còn cúng trời đất, cúng vua bếp, cúng thần đất thần tài nên bánh phải thơm ngon tinh khiết.

Với người dân Vĩnh Hòa, bánh chưng đã trở thành món ăn quen thuộc. Trong nhà lúc nào cũng sẵn, hễ có khách đến chơi, là đãi bánh chưng, nước chè xanh ... và xung quanh câu chuyện, cuối cùng lại trở về với cái bánh chưng làng mình đã đi được tới những đâu, hay Tết năm nay làng mình sẽ gói được bao nhiêu bánh.

Từ 4, 5 giờ chiều, cả làng nhà nhà tập trung gói bánh cho đến 8 giời tối là nhóm lò, nấu bánh; 1- 2 giờ sáng vớt bánh, khoảng từ 4 – 5 giờ cả làng thức giấc gọi nhau í ới đi bán, nhập bánh. Không khí trong làng lúc nào cũng vui như Tết.

Trong ánh sáng bập bùng, gương mặt chị Châu như vui hơn: Mỗi năm Tết đến, chúng tôi phải làm cả ngày, cả đêm nhưng quen rồi nên không thấy mệt, càng nhiều người đặt bánh càng thấy vui. Ngày thường thì khoảng dăm yến, nhưng Tết thì cứ phải vài tấn nếp. Năm nay, nếu có nhu cầu đặt bánh chưng, em cứ gọi điện cho chị, sẽ có người đem vào tận nơi. Chị Châu vừa cười nói, vừa nhanh tay đưa cho tôi số điện thoại và còn dặn với theo: Nhớ là bánh chưng nhà Khánh – Châu nhé!

Chia tay Vĩnh Hoà, trong chúng tôi ai cũng thấy vui lây với niềm vui của bà con giáo dân làng bánh. Và chúng tôi tin chắc rằng bánh chưng Vĩnh Hoà sẽ trở thành “đặc sản” được biết đến như cháo lươn Vinh, thịt me Nam Nghĩa, tương Nam Đàn, kẹo lạc Hưng Châu ... khi có điều kiện về với Yên Thành, Nghệ An!

Korean Air! - Tổng hợp từ Nghệ An Online, Danviet và nhiều nguồn ảnh khác