5 giờ chiều của một ngày cuối tháng 12, Trần Ngẵng, ngụ tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Thành cùng nhóm bạn lại gặp nhau trên bãi biển, nơi cách hòn đảo nhỏ và ngọn hải đăng nổi tiếng Kê Gà của xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam (Phan Thiết) chỉ 5 phút đi ca nô.

Đó cũng là nơi mà bờ đá nhô ra biển  cùng vòng cung của hòn đảo tạo nên một vũng nhỏ, ít sóng. Trên bãi biển ấy, Ngẵng và  nhóm bạn sẽ câu suốt đêm. Để chuẩn bị cho cả đêm câu ấy, mỗi người đều chọn một đoạn bãi rồi tự tay chôn những chiếc ống nhựa Bình Minh cắt ngắn xuống nền cát theo một khoảng cách nhất định. Sau đó, họ cắm từng chiếc cần câu máy vào từng ống nhựa, nhờ vậy mà trong suốt  đêm gió và khi cá giật, cần câu cũng chỉ cong chứ không ngã xuống cát.

Ngẵng cho hay: Từ đây đến ngày 30 tết Quý Tỵ, Ngẵng và bạn bè đều có mặt tại bãi để câu cá hanh, một loài cá  sống ở hồ đầm và ngoài biển khơi. Một loài cá háu ăn nên rất dễ câu. Cá hanh, theo như Ngẵng cho biết thường đi ăn từng đàn vào lúc bình minh, hoàng hôn và không ăn một chỗ nào lâu.

Những người câu như Ngẵng đều sắm mỗi người trên dưới  một chục chiếc cần, cắm dọc theo bãi để… đón đợi cá. Có nhiều loại mồi câu nhưng tại  bãi Kê Gà, những người câu đêm đều chọn tôm tít, loại tôm có nhiều khoang, làm mồi.

Mỗi chiếc cần  có nhiều lưỡi, ở những vị trí khác nhau nên lượng tôm tít cần cho mỗi người câu trong một đêm phải trên 100 con. Điều này giải thích vì sao Ngẵng có 3 chiếc hộp đồ nghề đi câu.

Chiếc hộp to nhất đựng một chục chiếc bánh quy với lời giải thích “nhai cho vui miệng lúc ban đêm”, chiếc thứ hai đựng cước và lưỡi, chiếc  còn lại đựng mồi câu”.
Chuẩn bị mồi cho việc câu suốt đêm.

Văn hóa đi câu

“Trong  lúc câu đêm có qua lại nói chuyện, hoặc san sẻ cá cho nhau?”- tôi hỏi. Ngẵng không trả lời ngay  mà chỉ  từng nhóm cần câu của mỗi người cắm trên bãi, nói: “Có một quy định bất thành văn trong nghề câu là không đi lại lộn xộn, chiếm chỗ của nhau; không bí mật lấy mồi nhau; không vì lý do nào đó mà ganh ghét bạn câu được cá to; không quăng câu ngang dọc, làm vướng đường thu dây của bạn”… Do vậy, tiếng là câu đêm nhưng “giang sơn” ai người ấy biết!

Những người câu đêm chỉ biết nhau qua tiếng thu dây câu, tiếng cá quẫy khi lên gần bờ. Trong quá trình câu, ít ai tán chuyện gì; có chăng là  nhìn  ánh đèn pin mà đoán người câu bên cạnh đã mấy lần được cá hoặc mấy lần phải thay mồi.

“Người câu đêm phải trang bị cho mình những thứ cần thiết như: nước uống, thuốc hút, dầu xoa (nếu thầy cần)”, Ngẵng nói.

Đang trong lúc nói chuyện, tôi chú ý đến một thanh niên ngồi bó gối cách Ngẵng khoảng 20 bước chân.  Anh thanh niên đăm đăm nhìn ra mặt nước, trong khi cạnh đó là hai chiếc cần câu có phần hơi ngã về phía trước.

Tôi hỏi Ngẵng: “Cá cắn câu sao bạn ấy không giật?”. Ngẵng lắc đầu: “Nước chuyển đó anh. Trên bề mặt mình không thấy gì nhưng bên dưới đã bắt đầu chảy. Cần bị cong một phần là do sức nước, còn nếu cá cắn câu thì đầu cần sẽ giật nhẹ liên tục trước khi cong vòng. Khoảng nửa tiếng nữa khi đêm xuống hẳn, tụi em phải căng tai ra nghe, chốc chốc  phải bấm đèn pin quan sát từng cần câu”.

Thức với đêm sâu

Đêm mỗi lúc một xuống nhanh, những người câu cá biển ban đêm không ai bảo ai đều đứng lên, mắt hướng về phía vũng nước, về ngọn hải đăng Kê Gà. Sóng biển vẫn vỗ ì oạp. Những chiếc cần câu có vẻ như mỗi lúc một cong hơn. Tôi đoán là nước đang rút và những người câu đêm sẽ phải tập trung cả tai, mắt vào đó.

Tôi hỏi Ngẵng một câu vì sợ quên: “Một đêm câu được khoảng bao nhiêu cá?”. “Vài ký. Đủ cho vợ đi chợ. Nhưng nhiêu đó đã là quý với tụi em vì bây giờ tìm việc làm khó lắm. Có việc làm dù nhỏ vẫn hơn ngồi không rồi sinh hư”. Tôi nghe tiếng cười nhỏ của Ngẵng. Đêm của những người câu biển xao xát làm sao!

Korean Air! - Theo Hà Thanh Tú (Bình Thuận Online), internet