Muốn thăm “biển miệt vườn” để bình yên ngắm mây trời, thong thả dạo bước, lắng nghe từng hạt cát mịn êm chảy qua chân và ngó biển sinh sôi, coi “nhà vườn” nuôi trồng trên biển, xin mời về đây: biển Gò Công.

Nếu định đến tắm biển Tân Thành (thuộc huyện Gò Công Đông- Tiền Giang), bạn hẳn sẽ thất vọng, vì bãi biển… đen thui. Nhưng đây thật sự là một trong những bãi biển cát đen đẹp nhất Việt Nam. Khi bạn đặt chân xuống cát, sẽ cảm nhận được lớp cát mềm mịn êm nhung, và cứ vậy… đi hoài ra phía biển giăng giăng sóng bạc.

Bãi biển Gò Công không thoai thoải mà phẳng như mặt ao, kéo dài ra hàng cây số. Bạn cứ việc tung tăng đi trên cát, vọc cát, vọc nước và ngơ ngẩn ngó những chòi canh nghêu chênh vênh giữa biển trời.
Đứng chờ hồi lâu mới làm quen được với anh Nguyễn Thanh Danh đang bận rộn nói chuyện điện thoại về giá nghêu, giờ giao nghêu… Anh vui vẻ cho biết: Cũng được lắm. Nghêu năm nay không bị bệnh hoạn như năm trước, hiện giá nghêu từ 30.000- 34.000 đ/kg loại 30- 40 con/kg.

Nếu tính trung bình nuôi đạt 15– 20 tấn/ha, thì người nuôi có thể lời tới vài trăm triệu đồng/ha. Nhắc lại “chuyện xưa”, anh Danh nói, hồi trước giờ tự nhiên đã có con nghêu sinh sống ở biển Tân Thành này rồi. Nghêu Gò Công nổi tiếng ngọt, mềm lại thơm. Nhưng hồi đó giá nghêu cũng bấp bênh, chỉ vài ba ngàn đồng một ký, là món ăn “con nhà nghèo” nấu canh giá hẹ.

Chỉ từ khi nghêu được bước vào thị trường xuất khẩu thì giá nghêu mới tăng vùn vụt, lên tới vài chục ngàn đồng một ký như bây giờ và người khá giả mới dám ăn nghêu. Cũng từ đó, dân miệt biển Gò Công mới nghĩ đến chuyện nuôi nghêu- để trở thành một trong những nơi có nghề nuôi nghêu sớm nhất.

Vùng ven biển miền Tây ít sóng gió, đáy cát pha bùn, nhiều thức ăn, nên từ Tiền Giang qua Bến Tre đến Sóc Trăng, Cà Mau… đều là nơi nghêu ưa trú ngụ. Một trong những vùng nuôi nghêu lớn nhất và có sản lượng cao nhất phải kể đến biển Gò Công Đông của Tiền Giang.

Ở đây, nhiều người dân coi “con nghêu là đầu cơ nghiệp”, nổi tiếng với “kiện tướng nuôi nghêu” Trần Văn Chỉ với sân nghêu hàng vài hecta, hay “vua nghêu giống” Trần Văn Vinh thành công trong sinh sản nhân tạo nghêu, cung cấp cả tỷ con nghêu giống mỗi năm.

Theo số liệu chúng tôi có được, huyện Gò Công Đông hiện có trên 2.000ha biển nuôi nghêu, trong đó, có 350ha là bãi sinh nghêu giống tự nhiên tập trung tại xã Tân Thành, ven vàm Cửa Tiểu. Hàng năm cung ứng trên 20.000 tấn nghêu cho thị trường.

Theo anh Danh, nuôi nghêu cực kỳ đơn giản. Chỉ cần mua nghêu giống về thả xuống bãi biển vào khoảng tháng 4 rồi thu hoạch vào cuối năm sau. Nghêu “nhướng” nhỏ xíu xiu, tới cả ngàn con/kg, nuôi năm rưỡi, đạt thương phẩm 30- 40 con/kg.

Biển Tân Thành có nguồn thức ăn trời cho, người nuôi nghêu chẳng tốn đồng thức ăn nào (lẽ ra phải gọi là người giữ nghêu mới đúng), chi phí tốn kém nhất là mua nghêu giống, giăng lưới, cất chòi, thuê người giữ nghêu… Cứ vậy mà trời biển nuôi dùm.

< Nghêu giống.

Nói vậy, chứ hiện nay nghề nuôi nghêu cũng lắm khó khăn. Chú Lê Văn Tấn- cũng là người dân tại đây cho biết: giá giống tăng cao, nghêu bệnh chết nhiều, vài năm gần đây, cứ khoảng tháng Chạp đến tháng 3 năm sau, nghêu thường chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân, có hộ trắng tay.

Người nuôi thì cho là do ô nhiễm nguồn nước. Biển Gò Công Đông thật sự là biển của làm ăn. Với gần 12.000km2 mặt biển, đây là ngư trường giàu tôm cá, thuận lợi nuôi trồng thủy- hải sản có giá trị cao như nghêu, sò huyết, tôm sú, tôm thẻ,…

Chú Tấn cho biết, hàng ngày chú tranh thủ thả vài trăm mét lưới đánh cá ven bờ, cứ một hai ngày là được vài ba con cá chét hoặc cá chẽm cỡ 3- 4 kg/con. Hiện giá cá chét tươi tại đây từ 150.000- 200.000 đ/kg, còn khô cá chét không dưới 500.000 đ/kg. Cá chẽm rẻ hơn nhưng cũng từ 80.000- 120.000 đ/kg.

Hai mẹ con chị Nhan đang đi thong thả trên bãi biển, tay cắp chiếc rổ nhỏ, trông cứ tưởng như đi chơi, nhưng thật ra là đang đi bắt con móng tay. “Đồ nghề” của mẹ con chị rất đơn giản, chỉ là một que tăm tre dài chừng 20cm, thêm một bịt vôi ăn trầu nhỏ xíu.

Vừa đi vừa giậm giậm chân, thấy chút bọt khí nổi lên là biết hang của móng tay, chấm khẽ chút vôi, chỉ vài giây sau, móng tay từ trong cát trồi lên. Chị Nhan nói ngày nào cũng đi bắt từ sáng khi nước ròng cho tới trưa nước lớn ngập bãi, cũng được 1- 2kg. Móng tay ăn ngon, thịt mềm, ngọt, nhưng giá khá mềm, chỉ 50.000 đ/kg.

< Du khách thích thú chạy chân trần trên bãi cát đen.

Biển Gò Công còn có món ăn đặc biệt đãi khách phương xa là con sam. Nếu từng nghe chuyện cổ tích về đôi vợ chồng sam gắn bó không rời, thì bạn rất dễ… thất vọng, vì hình dáng con sam rất xấu.

Thân có mai to đầy gai góc, màu xanh xám xịt và chiếc đuôi dài nhọn hoắt. Sam mùa này được cho là đầy trứng béo bùi, giá chỉ 10.000 đ/con. Nhưng nghe đâu con sam cũng có chất cực độc như cá nóc nếu làm không khéo, nên chuyện mua bán sam để ăn cũng cần được xem xét kỹ ở các điểm du lịch.

Từ Mỹ Tho, trên Quốc lộ 1, rẽ vào Quốc lộ 50 chừng 50km là tới Gò Công và đi thêm hơn chục cây số nữa để tới biển Tân Thành. Không chỉ có “biển một bên và… nghêu một bên” làm mềm lòng du khách, Gò Công còn là vùng đất của rất nhiều di tích lịch sử.

< Những con ốc nhỏ bám đầy trên các cọc gỗ và đầy bãi biển Gò Công.

Đây là vùng đất đã sinh ra 2 bậc mẫu nghi thiên hạ là Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Đồng thời đây cũng là quê hương của các anh hùng dân tộc Trương Định, Võ Tánh. Chúng tôi hẹn sẽ cùng bạn trở lại Gò Công với các di tích lịch sử của chốn này.

Con đường từ Sài Gòn đi Gò Công dài khoảng 60 km, qua bắc Mỹ Lợi (ngày xưa gọi bắc Cầu Nổi). Từ thị xã Gò Công, vượt thêm 16 km nữa để tới Tân Thành. Đây là đoạn đường hấp dẫn đối với bất cứ du khách nào.

Đầu tiên là bạn sẽ có dịp ghé thăm Khu di tích Lăng Hoàng Gia rộng khoảng 4.000 m2, với nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng - thân sinh bà Nguyễn Thị Hằng (Hoàng thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức). Kế đó là xã Hòa Nghị. Ngoài cây dầu cổ thụ sống mấy trăm năm, nơi đây còn được mệnh danh là “quê hương trái sơ ri”.

< Chú Tấn: Bãi nuôi nghêu kéo dài tới xa tuốt ngoài kia hàng cây số.

Tiếp theo, bạn đến thăm đền thờ Trương Định ở xã Tân Hòa - nơi khởi binh chống Pháp của người anh hùng dân tộc lừng lẫy với địa danh “Đám lá tối trời” mà thực dân và tay sai khi nghe tới đều rụng rời tay chân, khiếp đảm tinh thần. Thưởng thức các món đặc sản Tân Hòa như bánh giá, mắm còng và mắm tôm chua với rượu sơ ri xong, bạn sẽ rong xe tới biển Tân Thành.

Biển Tân Thành dài khoảng 7 km. Riêng Khu du lịch biển Tân Thành đã được làm bờ kè dài gần 300 m. Bờ kè tuy đẹp, giúp ngăn chặn những cơn sóng dữ mùa gió chướng làm sạt lở bờ nhưng lại khiến nó trở thành bờ biển “chết”, vì chẳng mấy du khách đoái hoài tới chuyện đùa giỡn thỏa thuê với con sóng từ đại dương ùa vào. Tại đây, nhìn ra xa thấy những chiếc chòi giữ nghêu cao lênh khênh trên sóng biển. Nhưng, điều hấp dẫn du khách đến với Tân Thành chính là đặc sản biển.

Korean Air! - Theo Vĩnh Long Online, báo Hậu Giang, internet